Trầm hương miếng hay còn gọi là trầm hương mảnh (Agarwood Chips) được dùng rất phổ biến ở các nước Trung Đông, Ấn Độ, Trung Quốc, Đài Loan và Việt Nam. Trầm hương miếng (Agarwood Chips) khi xông mang lại sự thư thái, an yên và giảm stress rất hiệu quả. Về mặt phong thủy, xông trầm hương miếng (Agarwood Chips) mang lại may mắn, chiêu tài dẫn lộc cho gia chủ, công ty, cửa hàng hanh thông việc buôn bán.
Trầm Hương Miếng (Agarwood Chips) hình thành như thế nào?
Trong tự nhiên, khi cây Dó bầu (Agarwood Aquilaria) bị thương, chất nhựa cây Dó Bầu tiết ra và nhiễm nấm Trầm sẽ tạo ra Trầm Hương (Agarwood), nếu nhựa cây nhiễm nấm Kỳ Nam sẽ tạo ra Kỳ Nam (Kynam).
Tuy nhiên, với các dạng vết thương khác nhau, sẽ tạo ra những dạng trầm hương khác nhau. Và trầm hương dạng miếng là một trong những sản phẩm trầm hương khá phổ biến. Vậy trầm hương miếng (Agarwood Chips) được tạo ra như thế nào?
– Trầm Hương Miếng có nguồn gốc thiên nhiên (Trầm Rừng) –
Trầm hương miếng dạng Đồi Chúp, dạng Nón
Do trầm miếng này có hình dạng như chiếc nón nên được gọi là trầm hương đồi chúp hay nón. Thường dạng trầm hương miếng đồi chúp, nón được tạo ở do vết thương ở các cành nhỏ của cây Dó Bầu. Khi các cành cây Dó Bầu vì lý do nào đó bị gãy, tạo ra vết thương ngày chạc ba, chất nhựa tiết ra và nhiễm nấm trầm qua năm tháng sẽ tạo ra dạng trầm hương miếng dạng đồi chúp, nón.
Nếu điều kiện thuận lợi cho việc phát triển, lớp dầu trầm hương ngày càng dày lên và đặc lại bên trong những đồi chúp này sẽ tạo ra dạng trầm hương Mắt Tử và thường là dạng trầm hương super chìm nước. Nếu miếng trầm được thu hoạch lúc còn dạng miếng trầm mỏng thì được phân loại là trầm miếng dùng để ngâm rượu, làm trà hay xông đốt.
Trầm Hương miếng Trai Kiến
Một số vùng rừng sâu có một loài kiến thuộc loài kiến Ba Khoang thích lên ăn thân cây Dó Bầu. Nọc của loài kiến này có tính acid rất mạnh, vì vậy mà vết thương do kiến cắn lâu lành hơn. Vết thương khó lành chính là yếu tố cần để cây Dó Bầu tiết nhiều chất nhựa và cơ hội gặp nấm trầm cao hơn. Khi các hoạt chất trong nhựa cây tương tác với nấm Trầm Hương để bắt đầu tạo trầm, dạng trầm sinh ra kiểu này thường cho ra dạng Trai Kiến.
Trầm Trai Kiến lúc đầu có dạng dẹp và có lỗ kiến cắn hình tròn trên mỗi miếng trầm Trai Kiến. Qua thời gian lâu và với điều kiện phù hợp thì các miếng Trầm Trai Kiến có lượng trầm càng lúc càng nhiều, có hình dáng dày hơn và trở thành Trầm Super có thể chìm nước. Những miếng trầm Trai Kiến super này thường dùng làm vòng tay Trầm Hương Cao Cấp. Những miếng Trầm Trai Kiến ít trầm thì dùng để ngâm rượu, làm trà và xông đốt.
Trầm Hương Miếng Dạng Đế
Khi cây Dó Bầu trong rừng bị gãy ngang hoặc do phu trầm chặt ngang thân để khai thác Trầm Hương ở phần thân cây và vẫn để gốc cây Dó Bầu lại. Cây Dó bầu chỉ còn gốc nhưng vẫn sống, chính vết thương này sẽ tạo ra trầm miếng Dạng Đế. Nếu miếng Đế lớn thì thường dùng làm Trầm Cảnh chưng phòng khách, phòng làm việc. Nếu miếng trầm dạng Đế miếng nhỏ thường dùng để xông đốt.
Trầm miếng rục
Khi cây Dó Bầu có trầm bị chết và ngã rồi chôn vùi dưới đất. Sau một thời gian đủ dài, thì phần gỗ Dó Bầu bị hoai mục đi chỉ còn lại đa phần là phần dầu Trầm hương thì loại trầm này gọi là Trầm Rục. Trong loại trầm Rục cũng thường có nhiều trầm miếng gọi là trầm miếng dạng Rục.
Khi mới đào được trầm Rục còn ướt thì vẫn có mùi thơm sống, nhưng càng khô thì gần như mùi sống của trầm Rục rất yếu. Loại trầm miếng Rục này khi đốt lại cho mùi thơm rất tốt, có thể nói là mùi trầm Rục khi đốt cháy hơn hẳn loại trầm Sanh cùng loại (trầm Sanh là loại trầm được khai thác khi cây Dó Bầu còn sống). Mùi trầm Rục khi đốt thơm ngọt hơn và mùi thơm sâu hơn.
– Trầm Hương Miếng Có Nguồn Gốc Trầm Trồng –
Trầm Hương Miếng dạng Khoan
Người ta trồng Dó Bầu tầm 8 năm đến 20 năm tùy vào thổ nhưỡng và đất trồng. Khi cây Dó Bầu có đường kính tầm 30 cm trở lên, người ta bắt đầu dùng khoan để khoan vào cây Dó Bầu tạo vết thương. Năm đầu tiên khoan, người ta sẽ khoan những lỗ khoan lớn khắp thân cây Dó Bầu.
Năm tiếp theo, người ta sẽ khoan dặm lại với những lỗ khoan nhỏ hơn lỗ khoan năm trước và các năm tiếp theo cũng khoan dặm với độ lớn mũi khoan tùy thuộc vào sức sống của cây Dó Bầu. Từ những lỗ khoan này, phần sát với lỗ khoan tạo ra một dạng trầm miếng có hình thù bao quanh lỗ khoan.
Trầm Hương Miếng Dạng Trai (Kiến Đục) Có Nguồn Gốc Trầm Trồng hay gọi là Dó Xí
Ở một làng tại miền Trung được thiên nhiên ưu đãi nên có một loài kiến thích đục thân cây Dó Bầu mà dân làng đó trồng. Do đó, người dân chỉ việc trồng Dó Bầu lên, còn việc tạo trầm để lũ kiến lo.
Loại trầm này được gọi là Dó Xí để phân biệt với loại trầm do Kiến đục ở rừng (Trai Kiến và Tốc Kiến). Tuy nhiên, loại trầm này thường có trữ lượng trầm thấp do người dân khai thác sớm, nên màu sắc loại trầm này là màu nâu vàng và thường dùng cho việc xông đốt là chủ yếu. Trên mỗi miếng Dó Xí vẫn có 1 lỗ tròn do kiến đục để lại.